Nên Sử Dụng Khẩu Trang Nào Để Chống Bụi Mịn
20/05/2019
Tôi ở TP HCM, lo lắng khi không khí ô nhiễm có bụi siêu mịn độc hại. Xin tư vấn loại khẩu trang gì để ngăn ngừa bụi này? (Diễm)
Trả lời:
Khẩu trang vải, khẩu trang y tế không thể lọc được bụi có kích thước nhỏ từ bụi mịn và bụi siêu mịn. Khẩu trang y tế chỉ hạn chế 30 đến 40% lượng bụi và không có khả năng bảo vệ cơ thể trước sự ô nhiễm không khí.
Mọi người nên sử dụng khẩu trang phù hợp, đảm bảo chống bụi mịn PM2.5 hay PM2.5, ngăn vi khuẩn và các chất độc hại. Những khẩu trang này phải dùng chất liệu có khả năng lọc các vật chất nhỏ. Trong đó, khẩu trang chuyên dụng ký hiệu N95 hoặc N99 chứa than hoạt tính có thể giúp bạn tránh tiếp xúc trực tiếp hít những luồng không khí ô nhiễm vào đường thở. Tiêu chuẩn N95 có nghĩa là lọc được 95%, N99 là lọc 99% các loại bụi có trong không khí, kể cả bụi siêu mịn. Loại khẩu trang này được Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khuyến nghị nên sử dụng ở thành phố ô nhiễm không khí.
Cần chọn khẩu trang ôm sát mặt nhằm chặn không khí bẩn vào mũi, miệng, cho phép tối đa 5% không khí đi qua các khoảng trống. Sử dụng khẩu trang cần có độ thoáng, người đeo phải thấy thoải mái, hô hấp bình thường. Chọn mua khẩu trang có nguồn gốc rõ ràng, cần thay khẩu trang sau 10 đến 15 ngày sử dụng với điều kiện bảo quản nơi thoáng mát. Nếu bạn chỉ có khẩu trang y tế thì nên mang hai cái khẩu trang tròng vào nhau.
Bác sĩ Võ Công Minh
Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM
Trẻ em tiếp xúc với bụi mịn PM2.5 trong thời gian ngắn có nguy cơ rối loạn lo âu, trầm cảm.
Bụi mịn PM2.5 có thể xâm nhập vào phổi, sau đó đi vào máu và các cơ quan khác trong cơ thể, gây kích ứng, viêm, dẫn đến các vấn đề hô hấp, ung thư, đau tim nếu tiếp xúc trong thời gian dài.
Nhóm nghiên cứu Đại học Cincinnati và Trung tâm Y tế Bệnh viện Nhi Cincinnati theo dõi nồng độ bụi mịn PM2.5 ở khu vực những bệnh nhi sinh sống. Kết quả, số bệnh nhi đến khám tâm thần tăng mỗi khi nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí cao. Những bệnh nhi khám cùng ngày nồng độ không khí tăng mắc các bệnh tâm thần phân liệt. Bệnh nhi khám sau hai, ba ngày có biểu hiện rối loạn lo âu và ý nghĩ tự tử.
Nghiên cứu cũng cho thấy sức khỏe tâm thần của trẻ sống trong khu vực khó khăn, chất lượng đời sống thấp dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí hơn những đứa trẻ khác.
Nghiên cứu kéo dài 5 năm, kết quả công bố ngày 25/9 trên Environmental Health Perspectives.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Patrick Ryan nhấn mạnh cần có thêm các nghiên cứu khác để làm rõ mối liên quan giữa ô nhiễm không khí và các bệnh tâm thần, song kết quả nghiên cứu gợi mở hướng điều trị mới cho giới y khoa.
Một nghiên cứu khác tại Anh công bố hồi tháng ba cũng chỉ ra phơi nhiễm với nồng độ cao NO2 khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh tâm thần khi trưởng thành.